Madison Morrison's Web / Sentence of the Gods
The Sentence of Madison Morrison (Vietnamese)

Tuyên phán của Madison Morrison

Ron Phelps

Tuyên phán của Chư thần (Sentence of the Gods) là một bộ sử thi vũ trụ luận bao la gồm 26 tập sách riêng. Trong một tuyệt kĩ chưa từng có bao giờ, những tập sách này phô bày ra một sự biến thiên kinh hồn không lặp lại về mô thể văn học, mà hầu hết là do tác giả phát minh.

26 tập sách là muôn màu muôn vẻ: một chuỗi liên châu các bài sonnet sử thi; hai tiểu thuyết tiên phong cuồng hỉ, trong đó một tập dựa trên những minh hoạ cho một cuốn sách của Raymond Roussel; hai tiểu sử thi, viết theo vần luật câu thơ 9 âm tiết và 10 âm tiết, tức 5 âm bộ đoản trường cách (iambic pentameter); viết về thiên nhiên tuyệt diệu trong chi tiết khoa học sánh với Thoreau hoặc những nhà tự nhiên học vĩ đại; một tập những bài thơ về mộng; một hồi kí chân thành và cảm xúc đến đứt ruột, về cuộc đời của tác giả từ thuở ấu thơ qua trường cao đẳng và về sau nữa; thơ phát hiện (found poetry); du kí sôi nổi băng lối không mệt mỏi qua và thực tình ngấu nghiến mọi đất nước hoàn cầu; những đan chen hồ hởi điên cuồng kiểu phóng viên video với Chí tôn ca (Bhagavad Gita) của Ấn Độ và Luận ngữ của Khổng Tử; vân vân và vân vân.

Sự phát sinh thử nghiệm thường xuyên những mô thể mới này tự thân là một kì công kinh người chỉ thuần bằng cách sáng tạo văn học, riêng ngoài những phương diện nhiều tầng khác của bộ sách Tuyên phán của Chư thần.

*

Toàn thể giữa cuộc hội hè đình đám bách khoa này, tuy vậy, không tạo ra một mớ hổ lốn hay một màn tạp khúc độc tấu. Hoàn toàn trái lại:

Mỗi tập trong bộ 26 cuốn mang tựa đề chỉ bằng một từ đơn độc: Her, Realization, Revolution, Possibly, vân vân. Tính theo chuỗi liên châu, những tựa sách đặc dị và ngoan cường này hình thành Tuyên phán của Chư thần:

SLEEP O LIGHT U NEED A REVOLUTION EACH SECOND EVERY MAGIC REALIZATION ENGENDERING HER EXISTS REGARDING ALL POSSIBLY HAPPENING RENEWED OR DIVINE IN THIS EXCELLING LIFE.

[NGỦ ÔI SÁNG BẠN CẦN MỘT CHUYỂN MỖI GIÂY MỌI MA HIỆN SINH NÀNG SỐNG CHIẾU TOÀN KHẢ XUẤT LẠI HOẶC THẦN TRONG ĐÂY TỘT ĐỜI.]

Chỉ dụ mê hoặc này, với sự cuồng điên vũ trụ, tính giáo điều chịu chơi, và tối thiểu chấm câu của nó, mang những hàm nghĩa sâu xa và dương tính tích cực, nhưng cái được cài đặt mới là choáng hồn, như thể cung cách Bảng Tuần hoàn các Nguyên tố được cài đặt trong sự thịnh mãn baroque của các phản ứng hoá học. Chữ cái đầu tiên của mỗi từ trong tuyên phán 26 từ chắp lại, thành một cái thang đẹp uốn hình rồng rắn gồm các chữ cái, thành tên của 7 vị trong thần thoại phương Tây cổ đại, và, thứ tự, là 7 ngày trong tuần lễ mà các thần đó ngự trị.

 

                             S
                             O
                             L  U  N  A
                                      R
                                      E
                       H  E  R  M  E  S
                       E
                       R
                       A  P  H  R  O  D  I  T  E
                                               L

 

Sol (Mặt trời), Luna (Mặt trăng), Ares (thần Chiến tranh/Hoả tinh), Hermes (thần Giao thông/Thuỷ tinh), Hera (Thiên hậu), Aphrodite (nữ thần Ái tình/Kim tinh), El. El, diễn dịch một chút, theo tác giả cho biết, là “tên Babylonia, Sumeria, Do Thái của nhiều vị thần kết hợp với thần Kronos (thần Thời gian) của Hi Lạp và thần Saturn (thần Nông nghiệp/Thổ tinh) (coi Saturday/Thứ bảy). Ngài đại diện cho thời gian, cái chết, và thời đại hoàng kim. Như thế bản sử thi của tác giả về vũ trụ và đời mình kết liễu, một cách thích hợp, với cái chết. Thế nhưng, bằng một trong những nghịch đảo xuất sắc và đặc trưng nhất của mình, ông đặt tựa đề tập sách chót là Life (Đời).

Sleep, O, và Light = SOL. Vân vân.

Bảy vị thần này cũng tương liên với 7 hành tinh trong khoa thiên văn và chiêm tinh cổ đại, với 7 chất cơ bản hoặc 7 thành tố của khoa luyện đan (alchemy), và cứ thế cứ thế vào mãi tận những cõi thẳm sâu nhất của cảnh giới u tối và huyền bí.

*

Những đặc trưng lừng danh nhất của những vị thần này cũng cai quản mọi tập sách trong bất kì chuỗi liên châu đặc thù nào tạo thành một trong những tên của họ. Chẳng hạn, cả 9 tập sách bao hàm hoặc chắp nối ra tên APHRODITE (All, Possibly, Happening, Renewed, Or, Divine, In, This, Excelling), cũng mang tính như nữ thần Aphrodite, phản ánh những thuộc tính như nữ thần của ái tình, cái đẹp, và sự phong nhiêu. Tác giả đã cấu trúc toàn thể 9 tập sách, với sự phức biến làm ta sững sờ, với yêu cầu siêu cấp này trong tâm trí, sao cho người đọc, chẳng hạn, đang khi thưởng ngoạn những phong cảnh thiên nhiên muôn màu của bang Arizona trong cuốn All, cũng nhớ tưởng được rằng họ luôn luôn, trong một cung cách nào đó, “ở bên trong” Aphrodite, trải nghiệm tính chất nữ thần Aphrodite.

Tuy nhiên, All còn là một cuốn sách góc (a corner book), bởi mẩu tự A là chữ cái cuối cùng của HERA. Vậy nên All cũng mang luôn những đặc trưng như Hera, những đặc trưng của Địa mẫu Hi Lạp, và của những sa mạc và núi non của bang Arizona.

*

Không phải đó là tất cả. Kế sách của 26 chữ cái còn có thể đọc ngược, mang lại 7 thực thể khác: LE, ETIDORPHA, AREH, HERMES, SERA, ANUL, LOS. Những cái này lại chứa những nghĩa đa phức, thường khi u tối, như với SERA, tiếng Italia là “buổi chiều”, hoặc LOS, là vị thần chủ về trí tưởng tượng của Blake.

Và như thế là phán quyết có thể đọc ngược, nữa, hình thành một chỉ dụ lạ lẫm:

LIFE EXCELLING THIS IN DIVINE OR RENEWED HAPPENING POSSIBLY ALL REGARDING EXISTS HER ENGENDERING REALIZATION MAGIC EVERY SECOND EACH REVOLUTION A NEED U LIGHT O SLEEP.

[ĐỜI TỘT ĐÂY TRONG THẦN HOẶC LẠI XUẤT KHẢ TOÀN CHIẾU SỐNG NÀNG SINH HIỆN MA MỌI GIÂY MỖI CHUYỂN MỘT CẦN BẠN SÁNG ÔI NGỦ.]

Thực sự, có một nghịch lí: trong thoại bản tiến lên, vị thần trung tâm SEMREH, là vị duy nhất mà tên đọc ngược lui. Khi kế sách được đọc ngược lui, ngài đạt được danh hiệu thông thường, HERMES. Điều này phù hợp với bản tính lưỡng hợp nam nữ của ngài và vị trí của ngài là một trụ then chốt đảo điên hoặc bất đảo ở trung tâm toàn bộ sử thi. Tiến lên là ngược lui và ngược lui là tiến lên.

Tương tự như thế, 26 tập sách có thể đọc theo thứ tự nghịch đảo, hoặc trong nhiều thứ tự. Tuyên phán của Chư thần không có khởi thuỷ, hoặc chung cuộc hoặc đúng hơn nó có vô vàn khởi thuỷ, vô vàn chung cuộc, và vô vàn trung tâm. Tác giả đã nói ông tin rằng “thời gian đi tới và lui đồng thông. Nói cách khác, chúng ta sống trong tương lai và quá khứ, cũng như hiện tại.”

*

Không phải đó là tất cả. Những tập sách này còn có những tương quan khác với nhau. Chẳng hạn, trong thoại bản ngược lui, All, Regarding,Exists hình thành một bộ ba, tiếp theo đó là hai bộ ba nữa: Her, Engendering, RealizationMagic, Every, Second.

Các tập sách cũng có thể đọc theo chiều dọc. Chẳng hạn cột thứ ba của các chữ cái trong kế sách chứa 5 mẫu tự S, O, L, R, và H. Những tập R và H – RealizationHappening – vì vậy chủ yếu là những sách thái dương, như mặt trời SOL.

*

Không phải đó là tất cả. Vốn là một bộ sử thi vũ trụ luận do một nhà thơ viết ra, Tuyên phán của Chư thần là một toan tính phá cửa nhà trời, tiếp tục truyền thống của những pho sử thi vĩ đại, đáng kể nhất – nhưng không phải hoàn toàn đã kể hết – Homer, Dante, và Milton. Nó một bộ sử thi, một bộ sử thi bằng không thì chẳng là cái gì cả.

Tuy nhiên, tác giả nhận thức được rằng hấu hết 26 tập sách viết bằng thơ tự do hoặc văn xuôi (mặc dù tác phẩm của Madison Morrison, như tác phẩm của hầu hết văn học vĩ đại của thế kỷ này từ Proust đến Finnegans Wake [của James Joyce] tới các ca khúc nhạc rock, cất tiếng trong một giao diện phủ bóng không thể phân loại giữa văn xuôi và thơ). Vì thế nhà thơ đã tìm ra một sự thay thế, hoặc tương đương, và về mô thể đổi nguyên lí sắp đặt trật tự của quy tắc vận luật bằng tượng số học (numerology).

Sự phức hợp tượng số học của bộ Tuyên phán của Chư thần ắt đòi hỏi một tập sách nhỏ, hơi nhàm để minh giải. Ở bình diện đương nhiên nhất, số tập sách là 26; 2 + 6 = 8, tức là con số vũ trụ. Và tổng số các chuỗi liên châu là 7, cộng thêm toàn thể, hay số thống nhất tức là số 1, lại cho số 8.

Số trang của mỗi tập sách cũng có nghĩa cho trật tự của nó, cho sự quân bình các phần của nó, cho tương quan mô thể trong mỗi tập sách cá biệt, và cho bộ Tuyên phán như một toàn thể. Chẳng hạn, tập sách đầu tiên, Sleep, có 52 trang, tạo thành một số 7, là số các chuỗi liên châu nó có 17 bài thơ, tạo thành một số 8, là số chính tự thân của bộ Tuyên phán; như vậy ngay chính tập sách đầu tiên đã chứa trong tự thân một điềm báo về toàn thể bộ sử thi.

Sự sử dụng nguyên lí sắp xếp trật tự này – số hàng, số trang, số phân tiết, bất kì – áp dụng cho tất cả 26 tập sách.

*

Không phải đó là… nhưng tôi có thể cứ tiếp tục cho tới Tận thế. Tác giả cứ vui vẻ xay ra, và phóng đi như những máy bay giấy, nào là biểu đồ, nào là sơ đồ về những bình diện càng cuồng ngông của những đối xứng mô thể trong “hệ thống” của ông, một trong số đó là tương liên tác phẩm với 26 chiều kích, ẩn giấu hoặc không ẩn giấu của lý thuyết dây (string theory) [trong vật lí thiên văn]!

Những biểu đồ này xinh như mấy cô cháu gái của tôi và đủ sắc cầu vồng như tranh thiếu nhi và gay go về mặt trí tuệ khác nào những thuật toán tổ chức nơi Dante và Joyce, gợi ra một nếp dị tưởng bẩm sinh, một thứ tính khí chịu chơi ta thường thấy nơi ngành vật lí đương đại tiến xa nhất. Hoặc pataphysics[vật lí không tưởng].

*

Tuy nhiên tất cả đó chỉ mới là một dàn khung trắc lượng địa cầu (geodesic framework) nghiêm nhặt. Một trong những chức năng của nó rất quan trọng: nó cho phép sử thi biểu tỏ một cách bách khoa, nơi nào thích hợp, toàn bộ văn minh lịch sử loài người; cả Tây và Đông. Bộ Tuyên phán của Chư thần như vậy là một bộ sử tổng quát, một toát yếu về văn hoá, một viện hàn lâm điên rồ về Tông giáo tỉ giảo nhằm tự thân trở thành một mối đạo, một vỏ bọc thời gian (time capsule) cận báo chí và cuối thế kỉ 20 trong tất cả vẻ hào nhoáng lạc quan kĩ thuật thô thiển của nó, một bản phân tích thoải mái không thể bác khước được về yếu tính và hướng tính của quy điển phương Tây về văn học và triết học, một sự nắm bắt mang tính đế quốc nhưng lại trọng vọng về tư tưởng và nghệ thuật phương Đông chỉ cung ứng cho những kẻ tha hương và nói được tiếng Trung Quốc như bản thân tác giả, và tôi say mê nhất, là một lễ hội tự đắc theo chủ nghĩa hiện đại vừa huy hoàng vừa khổ hạnh, phái sinh một phần từ những đỉnh cao lí tưởng kiểu Tây của giới tiên phong, từ sự kết hợp đặc dị của hài hước dân tuý và siêu bác học hương xa thấy ở Pound và ở đâu đó trong học thuật đương đại, và từ thị kiến huyền học tinh khôi của tâm trí Madison Morrison ngoan cường và khá là đặc dị kinh người.

*

Tới điểm này ta hẳn cần khoảng chừng cả trăm trang để mô tả cung cách theo đó bộ Tuyên phán của Chư thần, cũng như đối thủ chính của nó, là Finnegans Wake, đã ghép, chích, bện toàn thể quy điển phương Đông và phương Tây, những “kinh điển” của văn học và tông giáo, thành ra chính chất thể hay chất nguyên sinh của nó. “Toàn thể” dĩ nhiên là một sự cường điệu, nhưng hiệu ứng tổng quát là một khối hỗn hợp phân hữu cơ khổng lồ của một giáo trình Nhân văn ở Đại học Johns Hopkins và bộ tùng thư Sách thiêng phương Đông (Sacred Books of the East) do Max Müeller biên tập.

Trên bình diện này tác phẩm là một trường đại học gương mẫu trong sự thanh cao khủng khiếp của nó, và cũng như với một trường đại học, chức năng chính của nó là nâng chúng ta lên khỏi những cuộc sống hàng ngày vặt vãnh, chán ngắt – cái đời trần tục đè nghiến kia, bằng sự hứa hẹn của thi ca và siêu thoát thường khi bị vỡ mộng, đó là chủ đề của phần lớn Tuyên phán của Chư thần.

Nhưng, ngược lại, nữa, cõi (chỉ dường như, tức là, đối với tâm trí chưa giác ngộ chưa năng động?) luyện ngục rác rưởi chán chường của đời sống thường ngày của chúng ta cung cấp một sự xì hơi hài hước cho những đỉnh cao lập loè của tưởng tượng và tông giáo và đức lí, cái cung cách mà cảnh gia đình trưởng giả của tác phẩm Ulysses là một sự hạ thấp tử tế và châm biếm dịu dàng cái khuôn mẫu anh hùng của Homer.

*

Chẳng hạn như, Homer và Kinh thánh, hai cột trụ của văn hoá phương Tây, bị xén lông, chải mướt, và khâu vá thành hai tập sách kế cận SecondEvery. Nửa phần đầu của tập Second luồn vào những đoạn từ Iliad như thể một khung dệt Jacquard, trong khi nửa sau điểm xuyết một chùm thơ suy tư về những cuộc phiêu lưu của Odysseus không phải qua vùng Địa Trung Hải mà qua truyền thống phương Tây. Every, với sự hỗn hào thần thánh hoặc báng bổ, mang Kinh thánh ra làm món ăn sáng.

Tập kế tiếp trong chuỗi liên châu đó, Magic, tiêu hoá “truyền thống thứ ba”, truyền thống Ai Cập và Ngộ đạo (Gnosticism). Nửa phần đầu của cuốn tự truyện này là một sự tráng dát cuốn Sách Ai Cập cầu siêu cho người chết (The Egyptian Book of the Dead); nửa phần sau sử dụng những tư liệu từ Toàn tập Bí thuật Hermes (Corpus Hermeticum). Phần đầu tới, phần sau lui.

Sự-chẻ-hai, việc-tới-lui này, như độc giả đã có thể nhận thấy, là thích hợp với bản tính lưỡng nguyên và trung tâm của HERMES, vị trí của bộ ba gồm Second, Every, và Magic. Hoặc SEMREH.

*

Đó chỉ là một thí dụ.

Realization kết hợp Ấn Độ: Áo nghĩa thư (Upanishads), Kinh Pháp cú (Dhammapada), và Chí Tôn ca (Bhagavad Gita).

Engendering thâu tóm Luận ngữ của Khổng Tử và Đạo Đức kinh của Lão Tử.

Her nhào trộn hấp dẫn Thần phả (Theogony) của Hesiod và Công cuộc và những Ngày (Works and Days) với những bài thơ sonnet về châu Á, và, xin Trời phù hộ, Thành phố Oklahoma.

Ba trong những phần của Hera căn cứ vào hội hoạ phong cảnh Trung Quốc.

This: Hoá thân (Metamorphoses) của Ovid. Divine: Thần khúc (Comedy) của Dante, dĩ nhiên. Renewed: Tiên hậu (Faerie Queene) của Spenser. Possibly: Don Quixote [của Cervantes].

Vân vân, và vân vân. Tác giả đã có nhã ý cung cấp cho chúng ta phần thư mục! Còn hơn thế nữa là những luận văn khơi mầm của ông, dễ đọc và không vướng thuật ngữ, tất cả tạo nên một thứ tự giải thích hoặc một sự thăm dò những ý hướng của ông và chiều hướng những nghiên cứu của ông.

*

Khi nghe thấy tiếng “văn bản” tôi vươn tay rút súng lục, nhưng tôi cho rằng thông diễn một chút cũng chẳng hại ai. Toàn bộ những tư liệu này được sử dụng ra sao? Tuyên phán của Chư thần dọn ra nhiều “trích văn nghiền” (“quashed quotatoes”) như món ăn phụ, nhưng toàn bộ còn lại của món khai vị là lời của Morrison Điên khùng (Maddy Morrison) qua văn viết của chính ông.

Tác giả bảo chúng ta rằng ông đã dùng 4 loại tương quan liên văn bản:

Hypertext (siêu bản) – Một văn bản trong đó văn bản nguyên sơ được nối với một văn bản thứ nhì, là thứ bay lượn bên trên, như một quyền uy.

“Intertext (liên bản) – Một văn bản đan xen với văn bản nguyên sơ để khuếch đại, bình luận, hoặc mỉa mai nó. Do đó, văn bản nguyên sơ và liên bản có thể đứng trong thế tương quan bổ túc, xiên, chéo, hoặc mâu thuẫn với nhau, với nhiều biến thiên và kết hợp khả dĩ của những cung cách này. Tương quan giữa hai văn bản cũng có thể chuyển đổi tuỳ ý.

“Pretext (tiền bản/duyên bản) – Một văn bản được sử dụng để kích động [hoặc là cơ duyên cho] một văn bản khác, như trong trường hợp Tuyển tập thơ tiếng Anh của nhà xuất bản Norton (The Norton Anthology of English Verse) cả ngàn trang là nguồn cảm hứng cho bài thơ 1000 hàng, nhan đề là Need.

“Subtext (tiềm bản) – Một văn bản được sử dụng như một kiểu mẫu để làm nền cho tác phẩm nguyên sơ. Các loại hình mang tên triều đại của hội hoạ phong cảnh Trung Quốc được dùng như những biểu mẫu tổng quát cho 3 tập sách cuối của chuỗi HERA cung cấp những thí dụ.”

Nhiều tập sách sử dụng hai hoặc nhiều hơn những kĩ thuật này.

*

Đến bây giờ người đọc chắc chắn không còn hồ nghi gì về việc tất cả những điều này mới chỉ là chỏm của một băng sơn được chư thần đặc cách đo cắt để huỷ diệt con tàu Titanic tự hào không thể đánh chìm, là chiếc thuyền tình tự mãn, đồi bại, và thông tin giải trí (infotaining) một cách tuyệt vọng của văn chương thương mại.

*

Nhưng có cái gì sai trái ở đây. Không chừng còn luôn tất cả. Tới điểm này độc giả có lẽ bực mình, chắc là đã bực mình rồi, bởi một nỗi sai trái nghi hoặc về sự lên gân hồ hởi cơ bắp đánh dấu thứ văn học cuối thế kỉ xơ cứng của chúng ta, về những đôi vớ sũng mồ hôi sặc mùi lớp thể dục hoặc rêu mốc của Đại số học năm thứ II, và sợ một nỗi chán ngán như địa ngục.

Tôi biết chắc chắn rằng, ít nhất ra, thì tác giả cũng sẽ bực mình, như ông sẽ bực mình vì tôi cứ thường xuyên so sánh với Joyce, một người bạn Prometheus chưa hề ảnh hưởng ông chút xíu nào (ông có lần bảo tôi, sau những mê sảng huyên thiên của tôi về tác phẩm yêu dấu Finnegans Wake, là ông không “tin vào những vũ trụ quan hình tròn.”)

Không, tôi đã bỏ sót điểm đích thực, và tôi đã lừa ông, và cả bạn nữa.

*

Madison Morrison hệt như cái cục thuỷ ngân lớn sệt quánh mà người bạn thân nhất của tôi mang tới phòng sinh hoạt ở trường năm học lớp 7. Mỗi lần tôi đặt ngón tay vào nó, nó lại vặn mình lẩn mất. Chúng tôi chơi với nó mê say cả ngày và tôi bây giờ không thể nào quên nó đi được: cục đó có trọng lượng, nó có quyền uy, nó có cái sức ma mịchắc nịnh bóng loáng của kim loại, mà lại có sự tránh né nữ tính của những cô gái tôi yêu. Cuối cùng nó biến mất, hỡi ôi: quá nhiều chọc phá và chuyền rót làm nó tiêu tán thành những hột ngày càng li ti hơn, thành một thứ cặn bạc.

Tôi không muốn phạm một lỗi lầm như thế với Tuyên phán của Chư thần. Vừa khi tôi dồn xếp nó là lạnh lùng, thực kiện, lịch lãm, và vô ngã, tôi lại khám phá thấy nó ấm áp, tưởng tượng, đồng quê, và chân thực một cách mê hồn.

*

Và vui. Nó là một sử thi hài hước, giống như đối thủ khác nuốt chửng thế giới mang tính Pop-Art [nghệ thuật đại chúng], là cuốn tiểu thuyết Gravity’s Rainbow [Cầu vồng của trọng lực, của Thomas Pynchon]. Hài hước vũ trụ. Nó làm bạn cảm thấy khoẻ khoắn, nó phục hồi lòng yêu đời cho bạn. Kế hoạch hoặc mô thức của nó mang tính ngẫu nhiên, xác suất, thông thoáng, phóng khoáng, cởi mở trước mọi sự. Chính ông từng nói không đoan chắc tác phẩm sẽ đi về đâu, giống như tự thân cuộc đời, như thể ông đang tìm cách loan truyền tin đồn rằng ông chẳng biết rành mình đang làm gì.

“Relovution, trên hết, là một cuốn tiểu thuyết hài hước, nhằm tới những người đọc nghĩ là vui nơi một cuốn sách kết hợp 4 khung cảnh khác nhau: Hoa Kì ngày nay, Trung Quốc cổ đại, Pháp Quốc thời Cách mạng, và Pháp Quốc ngày nay.”

Từ chìa khoá ở đây là vui. Madison Morrison không nằm chịu trận và để cho những người soạn ca khúc bình dân và những người làm điện ảnh toàn quyền vui, rất giống như cung cách Stravinsky ôm lấy việc đảo phách không để những nhạc sĩ bình dân và jazz toàn quyền vui. Khi mở tác phẩm của ông người đọc dù chẳng hề được khai tâm nhất cũng thấy vui và rất có thể mang ấn tượng là phù phiếm. Tuyên phán của Chư thần là một tiệc hội mà không khách nào tỉnh táo.

Sự pha trộn kì quái và độc đáo không thể ngờ của niềm vui, của lòng yêu đời ngớ ngẩn khúc khích trong hết thảy cái ngu bướng điên người của cuộc sống, của một tình tự như Dionysos (thần Rượu) với đi chơi và gái và thiên nhiên, sự pha trộn của điều này với những thái độ lạnh băng như Aeschylus của sự ẩn dật mang tính huyền học và trí tuệ của tác giả nơi một độ cao bên trên đường phân ranh với cây rừng ở đó không người đàn ông hoặc đàn bà nào có thể sống được, với chủ nghĩa lí tưởng tư tế tiên phong kiểu mẫu (và không thời thượng đến như tự sát), chắc chắn là nét đặc sắc nổi bật nhất trong dự án phi lí của ông. Peter Carravetta đã nói một câu đáng nhớ rằng: “Madison Morrison không bắt giữ ai làm tù nhân”; theo một nghĩa, tuyệt nhiên như thế, nhưng tôi không dám chắc lắm rằng các cô gái nhỏ lại chẳng thể áp dụng mà khỏi sợ dây cung.

*

Những phân tích trước đây của tôi có thể cho người đọc cái ấn tượng rằng khi đọc bộ Tuyên phán là họ đang ngoan ngoãn lắng nghe một giảng khoá của giáo sư Paul Elmer More hoặc giáo sư Irving Babbit hoặc một nhà Nhân văn đạo đức nào khác, như thể Tuyên phán của Chư thần là một Sách Đạo đức. Nếu vậy, thì chúng ta phải nghĩ làm sao với những manh mún xuất thần tông giáo lâng lâng như thế này, từ tập A?

 

Này, Phải Hawn Tóc Vàng Đó Không?

Vàng Trông Tìm Một Gái Vàng

Hai Gái Vàng Đi Làm Gốc Miền Tây

Quán Đẹp: Nghệ Thuật Tự Hoàn Thiện

Làm Sao Tôi Chống Chứng Mất Ngủ

Dược Thảo

 

 

Thế. Bạn rất

1973.

Bơ vơ? Chớ hề…

Có không những lúc khi

bạn cảm thấy như thể bạn

là đôi người duy nhất

trên thế gian?

Rượu Mía Puerto Rico

sẽ không lấn vào

cảm xúc đó.

 

Hoặc kí ức hầu như khôn kham này từ tập Magic xoắn-ba-vòng nhưng buông xả một cách loạn thần.

Vào năm 1951 mẹ tôi 44 tuổi… Dù chẳng phải phi tính dục, trong trí nhớ tôi bà chưa hề toả một phong tư tính dục… Bà vẫn lẳng lơ với đàn ông, nhưng trong một phong cách ương bướng… Tính dục của bà làm sao đó đã bị kết với – hoặc thăng hoa thành – chứng mắc đàng dưới.

Bà cũng có một khuynh hướng mạnh ngả về trừng phạt một cách bạo dâm. Chẳng hạn, bà thích bắt tôi đứng trong phòng bếp trong khi bà đi ra ngoài kiếm một cây roi, tước hết lá khỏi chiếc cành nhỏ khi bà quay trở lại, rồi dùng nó quất phía sau hai cẳng chân tôi… Chẳng lạ gì về sau lớn lên tôi không hề thương yêu bà. Bà đã gặt những gì đã gieo.

Dù cha mẹ tôi gắn bó với nhau một cách ám ảnh, trong nhà không hề có cảm giác về vui chơi thoải mái, không có yêu thương vô chủ đích, không có tình cảm tự phát.

Hoặc thứ văn xuôi hết sức dễ tiếp cận, quan sát một cách sắc lẻm và tinh tế dịu ngọt như tạp chí The New Yorker (Người New York), từ tập châm biếm chính trị Relovution, Cách mạng,triệt để phản cách mạng, là một trong những cửa ngõ tốt nhất để vào mê cung Tuyên phán.

Khi thức dậy sáng thứ Bảy anh vẫn còn cảm thấy hừng hực, nhưng bây giờ anh cũng u uất. Cãi lại phán đoán khá hơn, anh trải một buổi tối xem phim. Câu chuyện của Adèle H. (Histoire d’ Adèle H.), được quảng cáo là một chuyện tình kiểu Pháp, kết thúc ở một nghĩa địa. Nó lại quá mức lịch sử đối với Jen. Tác giả đã giữ nhà thơ xa sân khấu và thay vào đó trình ra đứa con gái, cô đã đi qua Mĩ để kiếm tìm người tình. Vấn đề của cô dường như là cô không biết cách làm sao ngưng viết…

Jen mặc quần áo và, bỏ bữa điểm tâm, đi thẳng đến Grand Palais (Cung điện Lớn) nơi tập hợp triển lãm hồi cố lần đầu tiên tranh của hoạ sĩ Millet kể từ năm 1887. Hoạ phẩm tới từ khắp nơi, nhưng người Mĩ làm chủ sở hữu một số lượng không ngờ. Mặc dù cuộc triển lãm dường như lạc lõng khi anh đi tới đi lui, đi lên đi xuống, Jen bắt đầu nhập được dòng. Hội hoạ Pháp thế kỉ 19 vốn là một bộ máy. Hoạ sĩ sản xuất tác phẩm. Tất cả những nhân vật cứng cỏi này đều bận Cờ Tam tài. Họ không nhằm làm bạn hạnh phúc hơn chút nào. Thông điệp là “Đời sống khó nhọc lắm”. Jen nói: “Nghệ thuật còn khó nhọc hơn nữa”.

Anh mừng được ra lại bên ngoài. Là nơi lịch sử diễn ra, anh nghĩ.

Hoặc chuyến phi ngựa Pegasus thần hứng nghệ thuật bất tử trong tập U, xứng đáng cho học sinh thuộc lòng như chúng thuộc Diễn từ Gettysburg (the Gettysburg Address) hoặc bài thơ “Ngừng lại bên rừng một chiều tuyết” (Stopping by Woods on a Snowy Evening):

 

Bình xăng trước của Freddy đã nổ…

May thay hắn đến và thấy không

Cây nào bén cháy và bọn trẻ đang

Lo giải quyết tình thế. Chúng đều

Nối tay thành vòng tròn nhỏ quanh

Đầu xe bừng bừng của Freddy và lần lượt mỗi đứa

Phóng một tia bự vào đám cháy.

Chẳng mấy chốc lửa tàn (với tia

Từ Bob thật sự dập tắt).

 

Rõ ràng không phải lề lối để thắng giải Nobel. Chất liệu này đại khái cũng mang tính hàn lâm và Nhân bản-Nobel như thể nhạc rap băng đảng giết-cả-nhà, Tự truyện của Thánh nữ Teresa ở Avila hoặc nghệ phẩm Cô dâu bị lột trần trụi bởi đám trai tân (The Bride Stripped Bare by Her Bachelors), Even.

*

Ngay từ tựa đề là một từ giễu, một lối nói nước đôi xuất sắc. Chúng ta được dặn rằng từ “Sentence” có thể mang những nghĩa “ngữ pháp”, “toà án”, hoặc “thổ địa”. Tôi xin đi xa hơn: từ “of” cũng có thể mang hai nghĩa, đem lại ít nhất 4 cách thông giải:

  1. Một diễn ngôn hoặc tuyên cáo hoặc truyền xuống từ Tuyệt đối Phổ quát hoặc truyền lên từ Vô thức Tập thể.

  2. Một phát biểu về (tất cả) thần linh như trong Homer hoặc Ovid.

  3. Một  phán quyết hình luật, không loại trừ tử hình, do chư thần áp đặt lên vũ trụ, loài người, hoặc tác giả. Như thế một công cuộc cứu chuộc, một loạt lao động của Hercules được áp đặt lên tác giả. Chúng ta tất cả như John Lennon đã nói, đều “đang chịu án tù thời gian” (doing time).

  4. Một phán quyết hình sự về lao động khổ sai và đau khổ, không loại trừ tử hình (Götterdämmerung – hoàng hôn của các thần linh), áp đặt lên chư thần. Như trong Kitô giáo, Thượng đế phải hoà nhập với thế gian, chịu thương khó, và chết.

*

Nghệ thuật Đại chúng (Pop Art)… Madison Mercury Morrison sừng lên phải cách trước bất cứ những toan tính nào dán nhãn hiệu lên ông, nhưng mặc dù Tuyên phán vạch lối khăng khăng đi vào thiên niên kỉ mới (vì rốt ráo nó là một bản sáp hoặc một mẫu dưỡng đặt chồng lên thực tại, nó luôn luôn và mãi hằng mang những dấu vết, giống như một cô gái nô lệ bị quất nhẹ roi, của nguồn gốc lưỡng tính trong thập niên 1960 vô song, khi sự phân biệt giữa Cao và Thấp biến mất như bằng ma thuật, “khi nhóm ca sĩ Beatles đánh thức tâm linh tất cả chúng ta”.

Tuyên phán là một tranh sơn tổng hợp acrylic bóng và phẳng, không phải một tranh sơn dầu, vẽ bằng những chấm phân lập kiểu Ben Day. Nó có một tính trực diện chói loà om sòm, hơi hướng thoảng từ thây ma của chủ nghĩa hư vô ẩn (crypto-nihilism), sự trống trơn giả thiên tài kinh sợ hư không (horror vacui) của Warhol, là người từng nói “Nghệ thuật Đại chúng là về những thứ bạn thích”. Lichtenstein nói về một trong những tác phẩm cuối của mình: “Tôi nghĩ nó rất vui tươi… nghĩa là, trừ khi bạn thấy tác phẩm của tôi u uất”.

Khi Nghệ thuật Đại chúng chết rồi, mọi thứ khác, cũng ít nhiều, chết luôn. Bây giờ không ai còn là người Đại chúng (Populist) trừ ra một kẻ khùng hay một kẻ cơ hội về chính trị hoặc nghệ thuật. Văn hoá Quần chúng lại chìm nghỉm và giới vô sản lưu manh (lumpenproletariat), và Văn hoá Cao cấp, buồn bã hát những bài ca Beatles, lui lại vào tháp ngà và rút cầu quay. Trừ ra trong Tuyên phán của Chư thần.

*

Nghệ thuật Đại chúng… một trong những kinh nghiệm bi thiết nhất của đời tôi là một trưa tháng Năm êm đềm khi tôi uống trà trong phòng khách của Madison Morrison. Ông ta là, hoặc có thể đã là, một chủ nhà tiếp khách uống trà hoàn hảo, phong cách rất mực Henry James; tôi không sợ vấp phạm – tôi tuyệt đối vững tin là có thể ngả mình nằm thẳng trên sàn gỗ không lấm bụi trần nếu tôi có đầu óc phóng khoáng như dân Oklahoma, hoặc ngay cả nôn mửa trên đó (ông nhắc nhở đến lối hành xử tại nhà mình của một nhà thơ, bạn của chúng tôi, bị bịnh tâm thần như lề lối của một “thân hào nhân sĩ nhà quê”) – chỉ là tôi ngại làm ô uế Tinh thần, ngại làm xấu danh Dự án (Người ta hỏi: “Dự án là gì?” Susan Sontag trả lời: “Sự nghiêm túc.”).

Có phần e dè, có phần nghiêm túc. Tay quỷ ăn nói nhỏ nhẹ hoàn toàn nhận thức được là tôi ưa chủ thuyết triệt để quấy rối  – Norman  O. Brown, Wittgenstein, Mao – và ông bĩnh tĩnh, quá bình tĩnh tiến hành lấn lướt tôi, mãi luôn, bằng cách bảo tôi rằng Truyền hình là Nhất thiết Mọi sự.

Nay tôi tin rằng lúc đó ông đang si mê Whitman nhưng dù sao đi nữa ý tưởng là truyền hình Whitman, nền dân chủ đại chúng, vũ trụ tôi-là-bạn-như-bạn-là-tôi, mang tính Hoa Kì sâu xa, mà Whitman trong chủ nghĩa siêu tuyệt Emerson đã hình dung (ít nhất trước khi Thời đại Mạ vàng – the GildedAge – đã lấy bớt phần nào luồng linh khí khỏi những lá buồm của ông). Morrison bảo tôi rằng Johnny Carson còn quan trọng rất nhiều, hơn bất cứ nhà văn nào của thời chúng ta. Ông bảo tôi rằng ông đã xem truyền hình nhiều năm với đứa con trai và đến khi con ông lên 12 tuổi, “nó biết mọi sự”. Văn học, như Sartre nói, đã tận rồi. Bất cứ lập trường nào khác là làm dáng, phản động, ngây ngô, và mắc phận phải tuyệt diệt, cũng như sự thiết tha ngày trước là mọi người thực sự có học thức phải biết tiếng Latin và Hi Lạp. Nói cách khác, Oprah thực sự là Thượng đế.

Chút gì đó của niềm tin tục tĩu này có thể nằm sau bài “17 tháng Tám, ‘74” từ tập A  rỗng tuếch đến kinh người nhưng – khi đúc vào khổ thơ cứng nhắc – lại âm vang một cách huyền bí. 22 trang sách kính cẩn chép lại chỉ riêng một ngày “Tin Mừng Theo Người Bảo trợ của Chúng ta”:

 

Gương mặt tươi tắn của Martha: nàng rửa mặt

bằng Noxzemamỗi ngày. Freddy chăm lo

cho bánh xe của chàng hơn đôi chân của tôi.

Phil là một nhà thể thao. Nhưng nay, cùng

David, tôi dùng Neet. Nó làm đôi chân tôi

mượt mà hơn. Xem tươi xinh thế vì mới chà

với Dentyne. David và Andy! Chúng tôi đã

làm vài điều ở L. A., thưa quý bà và quý ông.

Nói nữa đi anh, nói nữa anh yêu em đi.

Em đã nghe rồi, em còn nghe thêm nữa.

 

Một cơn giông

thấy được

trên mặt đất

một dặm cách

Ellington.

Nhưng em nghe như thể

chuông đám cưới cho mình.

 

Định luật của Phelps: Trí thức Càng cao, Thị hiếu Càng tồi. Trong Văn hoá Đại chúng. Pynchon, Eco, Joyce, Paglia, vân vân.

Tôi đang không công bằng ở đây bởi tôi tin rằng tác giả không còn rao truyền luận đề kinh khủng và rất có cơ xảy ra rằng CNN là Thực tại. Con chó lại có thể vẫy đuôi, và tôi ngờ rằng ông không xem truyền hình 30 phút mỗi ngày. Cũng như với tác phẩm của nhiều nhà văn khác, Tuyên phán của Chư thần là một nghĩa địa la liệt xác chết của những hăng say về trước. Nhưng mọi hồn ma đều có một sức sống ghê khiếp.

Mặt khác, tôi không ngạc nhiên được biết rằng tác giả đã ôm lấy máy vi tính và mạng trời Internet một cách hồ hởi, và được biết ông đang cứu xét việc thực hiện một trò chơi video dựa trên Tuyên phán của Chư thần.

*

Không có cái gì như là chủ nghĩa hậu hiện đại đâu. Chỉ có chủ nghĩa hiện đại, và chủ nghĩa man rợ (barbarism).

Tuy nhiên, nếu một thứ gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại mà tồn tại, thì Tuyên phán của Chư thần chắc chắn sẽ là huyền thoại nền tảng của nó, văn bản gốc (ür-text) của nó, chuyện kể đầu giường không thể thiếu của nó, từ điển bách khoa của nó, hàn lâm viện của nó. Nó phô trương sự mỉa mai thương yêu có hai cạnh sắc, sự ám ảnh tu từ, sự hoá văn hoá (over-culturization) quá độ nhờ giáo dục tốn kém kết hợp với một sự say mê nhạt nhẽo đối với văn hoá đại chúng mà người ta bảo rằng là đặc trưng của hiện tượng đồi truỵ vãn tàn La Mã này.

Không lạ kì gì khi những người Italia kì diệu, với sự pha trộn minh triết và tế nhị hậu Mácxít của kí hiệu học (semiotics) và truyện tranh Siêu nhân (Superman comics), đã yêu dấu, phê phán, và xuất bản Tuyên phán của Chư thần. Người Pháp, vốn cũng có những cội rễ siêu thực và sự nở phình trí năng Olympia khăng khăng như tác giả, chắc chắn sẽ nối gót, cứu ông như họ đã cứu nhiều nhà văn Hoa Kì khác bị đánh giá thấp ở quê nhà đến mức độ vô hình, từ Poe đến Faulkner đến John Hawkes đến Philip K. Dick.

*

Tuy nhiên, tất cả không phải là vô tư, chẳng khác nào những tiết phách “nhẹ” vui nhộn trong những giao hưởng khúc của Shostakovich làm sao che khuất tính chất u trầm chủ chốt của chúng. Một sự thuận thụ ngây ngất trước tự nhiên trong tập mang tên All làm nảy sinh một phong cảnh thiêng liêng trút vỏ qua 14 trang của một bài “sonnet” văn xuôi:

Tác giả đăm đăm nhìn qua những cây thông vào đêm sao, vào cơn lụt hào quang, tới từng chòm tinh tú, tới dải Ngân hà. Một con thỏ xào xạc qua bụi cây đen nhọ.

Vụt ngang, tiếp theo là tối đen. Lại nữa, các tầng trời sáng sao, mãi lui xa, mãi mở rộng. Để làm điểm quy chiếu, chỉ có ánh vàng phớt của những ngôi sao ẩn rộn ràng.

Ông ngó vào chung quanh mịt mờ, màu đen của khói, màu xám lênh loãng. Những ngôi sao xuất hiện qua lùm cây chỉ tượng nét bằng chì than.

Thiên hà đang tan biến, những thiên hà khác đang hình thành.

Một ánh đèn khoang máy bay ở xa xa.

Ở cực đối lại với sự quan sát thâm sâu, người ta được mời dự một chuyến tham quan kiểu Disneyland qua xưởng chế thép Svenska Stål ở Luteå, Thuỵ Điển, trong tập In. Không có cái gì như là chủ nghĩa hậu công nghiệp, chỉ có chủ nghĩa công nghiệp, và thứ lảm nhảm tư sản. Sự tán tụng của tác giả đối với nền tảng của đời sống chúng ta, và của ông (cha của tác giả làm việc trong ngành kinh doanh thép) xứng đáng một giải thưởng Lênin:

Chúng tôi đã tới ô đậu xe trước các lò, nơi than cốc đỏ hồng sắp được tống vào một toa làm nguội. Khi than đá được đốt nóng trong một buồng kín, chất bay hơi được chưng cất từ nó trong dạng các khí, và than đá trở thành than cốc. Phun hơi, nó tuôn từ một máng giữ rộng nửa thước, cao 7 thước, rớt xuống như dung nham núi lửa vào trong toa. Rồi nó được dùng như một chất khử trong lò cao. Đỏ, vàng, nóng; “hơn 10000”, người hướng dẫn chúng tôi thuyết minh. Khói đen và những lưỡi lửa xoắn lên từ bề mặt của nó, khi toa làm nguội di chuyển dọc theo đường ray để thích ứng với sự ồ ạt của những bánh than hừng hực.

Hoặc lấy trường hợp lạ lùng của tập Light, đến nay vẫn là tập tôi ưa thích nhất trong toàn bộ sách. Nó là một bài thơ gồm 216 khổ thơ 10 hàng. Sự đều đặn này sản sinh một hiệu ứng đồng thiếp, “nghiêm túc”, phần nào thần bí và rất hợp với những thị hiếu Gothic của tôi. Mặc dù hâm mộ Ashberry tôi vẫn coi Light là bài thơ triết học dài hay nhất kể từ bài “An Ordinary Evening in New Haven” (Một tối bình thường ở nơi trú mới), vậy nhưng thực sự nó là một thể huyền phù liên kết mà gần như không thể hoà hợp giữa hành động thân thể cực kì và trầm lắng phản tỉnh trọn vẹn, giữa tuồng kịch và cô đơn.

Quyền năng huyền bí về thư giãn mà tập sách này có đối với tôi đã khiến tôi phát biểu rằng nó là cuốn sách hoàn hảo để cạnh giường trước giấc ngủ, và chỉ mãi mấy chục năm sau tôi mới biết rằng nó hoàn toàn dựa vào những giấc mơ của tác giả! Tôi thực sự đã từng nghĩ phần nhiều tác động là “có thực”. Chẳng lạ gì nó đã làm tôi buồn ngủ đê mê, thế nhưng nó hoàn toàn không có cái chán ngấy thường lệ của những tường thuật về giấc mơ, một phần bởi nó kết nạp cả những thông giải về những giấc mơ này, và những phản ứng khác vào “truyện”. Tức là, nhhững giấc mơ chỉ là những duyên bản cho thơ trầm tư do “một kẻ cực đoan đang trong một rèn luyện”:

 

Từ mặt nghiêng dốc một

người đàn bà nói với thính giả,

một phần khuất bởi rào chắn.

Tôi sa xuống sàn. Dù

làm bia cho nhạo báng, nhưng

tôi đã thoát. Và

khi các thần nữ tập hợp

với những nguyên tố bị thiếu

chỉ còn có bảy

nhưng thế cũng sẽ đủ.

*

Có thể người đọc đang bắt đầu có những hoài nghi về sự thăng bằng tâm thần của tác giả (chứ khoan nói đến người bình luận). Bởi sự mất kiểm soát rành rành không phải là vấn đề ở đây, một thứ tâm lí bệnh học khác, có lẽ trước đây chưa từng được biết, có thể ngầm chứa.

Hãy xem thử hai bản tiểu sử thi UNeed. Cả hai cuốn gần như tuyệt tác này rất độc đáo và hơi xua đuổi là “truyện” viết thành mỗi thiên đúng 1000 dòng thơ, theo vận luật chính quy. Thiên thứ nhất dùng mỗi dòng 9 âm tiết trong cái tác giả gọi là “một phong cách nói chuyện và cố ý thô thiển (nhớ những tia nước kia chứ?) để phác hoạ huyễn ảnh gia đình giống những giải cấu trúc có phần ác mộng và phi lí về Ngoại thành, thấy nơi một số nhà điện ảnh độc lập. Thiên thứ nhì là đồng bạn và tấm gương đối lại thiên thứ nhất, dùng vận luật mỗi dòng 5 âm bộ – tức 10 âm tiết đoản trường (iambic pentameter) – hoàn hảo trong một phong cách “thanh tao và cố ý đồi truỵ” để kể một câu chuyện huyền thoại và anh hùng về một người tên Alexander và “tình nương” bí ẩn.

Cho cả hai tập sách tác giả soạn một dòng thơ mỗi ngày trong một ngàn ngày. Và cho tập Need tác giả đã đọc một trang của một tuyển tập 1000 trang biên niên thơ tiếng Anh “mỗi tối để chuẩn bị cho dòng thơ của ngày kế”!

Có bao giờ Nàng Thơ được tán tỉnh theo tính khí này? Âm hồn của Một Ngàn Ngày?

Loại ám ảnh, và cái kỉ luật kiểu Napoléon phi nhân này áp dụng cho chính toàn bộ Tuyên phán, nhắc nhở toan tính lệch tâm nhưng gợi hứng của kẻ di dân người Czech vào Hoa Kì, và được 7 người con tiếp tục sau khi ông mất, là xẻ chạm, điêu khắc, một pho tượng Ngựa Điên [biệt danh của lãnh tụ Da đỏ bộ tộc Sioux, sinh khoảng 1849 mất 1877, chiến thắng quân lực Hoa Kì xâm lược ở Montana] bằng cả một ngọn núi ở hai bang Dakota. Một công cuộc trọn đời: nếu Madison Morrison không phải là một trong những đầu óc tinh vi và đan mạng tế nhị nhất của thời chúng ta, dự án của ông có thể giống với những tác phẩm hoành tráng và chi li của nghệ thuật dân gian bằng lời hoặc tạo hình được âm thầm thêu dệt hàng mấy mươi năm trời trong tầng hầm nhà, trạm xăng nơi sa mạc, hoặc những dưỡng trí viện do những “thiên tài” dân gian chăm chỉ.

*

Vậy là một người cuồng, với một hệ thống vũ trụ phân liệt riêng tư. Giống như tác phẩm Licht (Ánh sáng) của nhà soạn nhạc Stockhausen, cũng gồm 7 phần sử thi tổ chức bằng 7 ngày trong tuần lễ, là một vở nhạc kịch 7 đêm phức tạp hơn vở Ring (Vòng nhẫn) [của Richard Wagner] và ngớ ngẩn chẳng khác nào trường phái Dada. Giống như những Sách Tiên tri của Blake: Blake bị những người đồng thời Khai sáng duy lí lấy làm thương xót là điên, nay tất cả họ đều bị lãng quên.

Giống như tập thơ Performance (Trình diễn): “trình diễn duy nhất thành tựu, thực sự thành tựu, thành tựu suốt đường, là trình diễn đạt đến cái điên”.

Salvador Dali: “Sự khác biệt giữa chính tôi và một người điên là tôi không điên”.

Harold Bloom nói rằng yêu cầu tiên quyết nguyên khởi để được thâu nhận vào quy điển hoá ra là, trong tất cả mọi điều, tính kì lạ (strangeness). Trong hàng mấy ngàn năm vô vàn nhà văn đếm không xuể đã cố gắng Hoàn thành Công tác, là khoái lạc và cải thiện loài người, đạt thành công nhận và nhập vào Chư thần điện (Pantheon). Họ có tài bộ, trí khôn, xúc cảm, học vấn, tưởng tượng, cơ trí, siêng năng, đức hạnh, thiện chí, lịch lãm thế gian, và cả thị kiến vũ trụ. Giống như những nhà tiểu thuyết hiện đại của chúng ta, họ có tất cả mọi thứ, và tất cả họ đã hoàn toàn biến mất, sách của họ tan thành cát bụi. Chỉ là họ không đủ khùng, đủ dị.

*

Tôi không đặc cách theo chiều xin lỗi các độc giả có thể bị phật lòng hoặc không bị thuyết phục vì cái giọng điệu nịnh hót của những nhận xét này, vốn tôi bị ràng rịt do những giới hạn không gian lố bịch khi phải xử lí với một cái gì có khuôn khổ, cao vọng, và thành tựu như bộ Tuyên phán của Chư thần. Những độc giả như thế sẽ xoay xở làm sao nếu chỉ có vài trang để mô tả và bênh vực Thần khúc [của Dante] hoặc Thiên đường đã mất (Paradise Lost) [của Milton] cho một người đầu óc cởi mở mà chưa từng nghe nói đến những tác phẩm này? Giọng điệu của họ ắt sẽ hoặc là mê sảng và lưu loát đáng ngờ, hoặc là táo bón và thận trọng đáng ngờ. Tuổi cao, cùng với nó là suy thoái kiên nhẫn và tự chủ, đã nới lỏng những kị huý của tôi cũng như nới lỏng cái bàng quang của tôi. Tôi chọn sự mê sảng.

Tôi không phải có một mình. Một nhà thơ xuất chúng như James Merrill vĩ đại hẳn khó bị cáo buộc là phe nhóm xuẩn ngốc sùng bái, hoặc những động cơ ẩn ước về sau, và thật lạ kì mà không biết bằng sự sáng suốt nào ông nhận tỏ Tuyên phán ngay từ sơ kì dàn dựng. Ông nói: “Chúng ta muốn các nhà thơ của mình phải có thị kiến kép, nhưng Madison Morrison không dừng lại ở đó. Ông phải kiên trì đến khi mọi mặt ‘xuất hiện’ của thế giới cạn kiệt hết sức con người, cũng với những tín ngưỡng và thể cách văn học đa dạng trong cõi đời, đã được điểm danh vào trò diễn. Trong viện bảo tàng hai tròng mắt tiếp liên này cái chúng ta biết được đẩy xa, cái chúng ta không biết được đưa gần, luôn luôn bằng khéo léo, bác học, và cao hứng lồng lộng.”

Hoặc Peter Carravetta, người trong bản văn tinh tế và rất vui nhộn “Hướng về một Thi pháp Vũ trụ kết” (Toward a Cosmographica Poetica) thử phác một cách nắm bắt khả kính Hạt Nước (The Glob) kia chỉ trong vài câu: “Thoạt ngay khởi đầu, ông cất bước theo những biểu đồ kinh sách về chuyến du hành bất tận, và không giống như một tín đồ Kitô giáo sùng mộ, ông không bị thuyết phục cho lắm là có một cứu chuộc Đời sau: chỉ có cuộc tìm kiếm, la busqueda, la sfida perenne, l’entretien infini, một sự tương thông với cõi thế, cả đã thấy và không thể thấy dường như ngay nơi ngã quẹo, bên kia ngọn đỉnh kế, hoặc sao đó mà nhận ra ở bờ sông bên kia…

“Ta bắt đầu có cảm thức là theo Morrisonn không chỉ có Một đời sống, một căn cước, hoặc một Ngôi lời (Logos) hay Lí tính (Ratio) đơn độc thống nhất có thể kềm chứa tất cả những thịnh suy liên toả này lại với nhau. Điều này không bị xem như một cơ nguy, mà đúng hơn như một cơ may…

“… ông không thoả mãn với sự tự trào và giễu nhại xã hội. Morrison sẽ không đằm mình trong chủ nghĩa thất bại nuông chiều. Ông sẽ nhìn ra ngoài, xa mãi, xa tận vào một cái gì có thể chứa cả xác/hồn ông và ‘cảm thức’ về đời sống, về xã hội, luôn cả về vũ trụ. Nơi đây bắt đầu cuộc du hành bất tận.”

Hoặc Terry Kennedy, người mà đoạn giới thiệu ngoài bìa sách duyên dáng cho tập Or áp dụng một cách tổng quát hơn: “với sự vô ngã của máy quay phim – mỗi góc cạnh lại ngầm khuất trái tim của nhà thơ – Morrison dẫn ta đi vòng xứ Xiêm, ghi nhận những thấp thoáng nền văn hoá cổ xưa của xứ này nhưng tiêu điểm là sinh hoạt ngày nay. Ông dường như muốn nói, mọi vật đổi thay. Tất cả chúng ta đều tìm kiếm một cái gì! – một đền chùa cổ kính. Bất cứ cái gì – một chai Coca Cola. Từ bên trong bông sen phơi mở mãi của châu Á, vang lên những tiếng hát ngư nữ của những thần chú hiện đại của nó. Morrison chúc phúc chúng ta với ẩn ý hai nghĩa của ông nhưng không đưa ra phán đoán nào.”

*

Quan niệm trội bật của ông Carravetta là cuộc du hành bất tận. Ngay trang đầu tiên của tập Excelling chúng ta thấy:

Thuyền lướt tới, sự tiến lên mĩ miều của nó đồng cảm với các giác quan. Chẳng bao lâu đêm sẽ buông. Mai này sẽ mang lại một ngày mới.

Cuộc phiêu lưu đang tiến hành.

Phiêu lưu: Tôi hiểu một trong những tự giao phó kế tiếp của tác giả là một cuộc du hành bằng thuyền trên sông ngược về nguồn vào rừng thăm thẳm châu Phi. Không ai lại chịu đựng hiểm nghèo như thế trong một châu lục đang nội phá (imploding) ngoại trừ những phóng viên của National Public Radio (đài Vô tuyến Công cộng Quốc gia) hoặc những nhà nghiên cứu khoa học, và họ được trả tiền cho việc đó. Điên rồ: giống như tự thân Tuyên phán. Và khi những tập sách này càng trở nên giang hồ hơn (toàn bộ tác phẩm vả lại đều mang tính giang hồ), ta như thể hi vọng rằng Madison Morrison sẽ mất tích mãi mãi trong chuyến hành hương rồ dại này, giống như Ambrose Bierce, để EL, có lẽ thích hợp, không hoàn tất.

*

Có lẽ cần một nghiên cứu riêng rẽ để chuyển tải chút nào về sự mê hoặc, táo bạo, và phong phú của những tập “sách du kí”: Realization, Or, Divine, Happening, vân vân. Những tập sách đầu trong bộ Tuyên phán cho cái ấn tượng khá khắc khổ về một sự cô đơn chặn đứng và tu trì; sự nội quán này kết liễu thành tự huỷ giống như một cái đập nước bị bật nổ, trong đó một cơn lũ trào dâng không thể đề kháng trôi tuột tác giả đi, gần như theo nghĩa đen, đến những nẻo tận cùng của trái đất: Thái Lan, Phần Lan, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Ý, Ấn Độ, và vân vân.

Một thứ phong cách tốc kí vốn thỉnh thoảng sử dụng những mảnh mún của câu và loại bỏ những từ ngữ không cần thiết cho phép những sách du kí thu thập cả núi tranh khảm những chi tiết quan sát khổng lồ và hùng tráng như là Núi Olympus trên Hoả tinh. Hàng chục hay hàng trăm ngàn những châu báu kiểu nhiếp ảnh này làm giàu số lượng của chúng trong mọi cảm quan bằng việc sử dụng kĩ thuật liên văn bản; Divine, chẳng hạn, có những trích dẫn từ Vasari, Claudio Lazzarro, Dorothy Sayers, Benvenuto Cellini, Plotinus, Veronese, Pliny, Ruskin, Jan Moris, Castiglione, Taine, những học giả hàn lâm, và gần như bất kể ai khác đã từng rọi sáng vào xứ Italia xinh đẹp.

Từ cô đơn chúng ta đi tới một tập hợp hàng nhiều ngàn diễn viên, một cơn sóng thần nhân loại kiểu Whitman mà kẻ rồ dại lãng du gặp, nói chuyện, tương tác. Ông có một khoảng thời gian bạn bè khoái hoạt ở Thái Lan, thảo luận Mel Gibson trong vai Hamlet với một thiếu phụ ở Scandinavia, và ở Ấn Độ viết về bộ sưu tập của ông gồm “những người Mĩ ở Madras” và “những người giàu ở Madras”, với sự thân ái tỉnh mộng của một Maugham. Và luôn luôn ông nhìn ngắm, chăm chú, trong lạc thú thuần tuý của việc thấy. Đối thủ duy nhất của ông trong việc mô tả trang phục của người ta là Tom Wolfe, và ít người đã mô tả những thành thị ở hóc bà tó tỉ mỉ, yêu thương như thế, chưa kể đến từng phụ nữ xinh đẹp mà Thượng đế Tốt lành (Good Lord) đã từng tạo dựng và phân bố giữa các giống Người.

Tính hương xa được ưa chuộng hơn (dù phong cách của ông làm cho ngay Houston, Texas cũng thành hương xa), có lẽ một phần là vì những thế giới nay đang biến mất khi chúng được tư bản toàn cầu làm thành đồng nhất và nghiền nát thành bánh mì Wendyburgers. Có một sự thương cảm trong mọi tập du kí này; tác giả nắm bắt những văn hoá lịch sử không thể thay thế trong mọi màu sắc và cảnh quê của chúng, ngay khoảnh khắc chúng tan biến vào thế kỉ 21, như cô [Terry] Kennedy đã ghi nhận; ông ghim chúng như những xác bướm và phong kín chúng mãi mãi trong những lồng kính là những tập sách của ông (được James Merrill so sánh với một “bảo tàng”). Hương xa vì chính tự thân nó, trang phục quấn dhoti và idli và đò máy vaporetti và công trường Piazza del Duomo, và chùa phật/wat và những xe tuk-tuk ở Bangkok, trứng cá muối và các vịnh hẹp trong sương mù ở Na Uy và bún Qua cầu ở Vân Nam và khu phát triển Kinh tế và Công nghệ Trùng Khánh và Giáo đường Rothko.

Và tất nhiên mọi thứ được đồng bộ theo vị trí của nó trong kế hoạch chủ chốt của Tuyên phán. Ngay sự du lịch là một ngụ ngôn: cuộc phiêu lưu còn tiến hành.

*

Đằng sau tất cả cái này là gì? Tác giả lách cách rút gươm. Trừng trừng đe doạ, trước mọi tra hỏi xâm lấn về “ý đồ” của ông, nhưng nếu có thể thầm thĩ trong một lá thư ông đã thầm thĩ, làu bàu cằn nhằn, rằng có lẽ, phần nào Tuyên phán của Chư thần có thể được xem như một toan tính để tìm ra một giao thế “hiện thực chủ nghĩa” cho hoặc tương đương với cuốn tiểu thuyết sử thi hiện thực chủ nghĩa hiện đại (ông từ chối đọc hư cấu đương đại).

Hoặc cách khác, ai ở đằng sau tất cả cái này? Bất cứ ai? Gần đây ông đã thả những lời bóng gió rằng cái “tôi” của Tuyên phán phải được nắm bắt như không định nghĩa, như một biến thiên lưu động; ông bảo rằng một trong những người bạn của ông nhắc đến ông như là “kẻ gọi là Madison Morrison”. Chắc chắn là gọi hay: nghệ sĩ nào không thèm muốn những tam âm tiết (trường-đoản-đoản) điệp phụ âm lưu loát như thế, một cái tên như thể được thiết kế một cách cố ý cho sự bất tử bởi một thi đàn.”

Không cái “Tôi”, vô ngã… Được thôi, tôi hiểu rồi, nhưng tôi có thể nói là có bất hạnh được biết tác giả một cách thiết thân, và đằng sau mọi sự tôi không làm sao tránh nhìn cho ra tác giả có lẽ là nhà giáo trường cao đẳng bất vị kỉ nhất mà tôi đã từng thấy rõ, thực sự là một ngón tay chỉ mặt trăng, với quyền năng truyền đạt cho các sinh viên của ông qua thẩm thấu sự hoan lạc vô biên của ông nơi, sự cứu chuộc của ông nơi, văn học (và hội hoạ và điện ảnh). Tôi cũng biết như một sự thật rằng cuộc sống của ông rất khó khăn, nhưng trong mọi lần hội ngộ với ông tôi đã bị choáng người vì sự thanh thoát của ông, một sự thanh thoát cũng ngự trị Tuyên phán như đặc trưng trung tâm của nó. Sự tĩnh lặng như đạo thiền này, xin hãy tin tôi, phải công phu khó nhọc mới đạt được, và khi tôi nghĩ đến giọng nói du dương và nụ cười như đức Phật của ông…

Nó đấy… nụ cười của ông. Nụ cười chết dấp ấy.

*

Updike: “Sự sẵn lòng liều quá độ vì những ám ảnh của mình là cái phân biệt nổi bật một nghệ sĩ với một kẻ giải trí.”

Khi thế giới ngày càng tiến triển câm điếc xuống một thứ văn hoá thị giác ngớ ngẩn dựa trên một đạo thờ sự chuyển động om sòm vô nghĩa, chuyển động đủ để chuyển động, khi sự biết chữ trở thành một kĩ năng quan lại, khi nhà văn hoặc làm hợp đồng với Quỷ hoặc lẻn đi nhậu cho tới chết, thì kẻ gọi là Madison Morrison vẫn trụ tại vị trí cô đơn của mình như một người lính mà các đồng chí đã bỏ sang với quân thù. Noi theo sự thư thái của ông, nếu bạn có thể, nhưng đừng để bị nó dẫn lạc đường hoặc vì ông yêu đàn bà, hoặc vì ông ưa hài kịch, hoặc vì sự ham mê cuồng điên của ông về danh vọng. Vâng, thưa những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, những người tuẫn đạo văn học. Đuốc thiêu. Bị án trong chính tuyên phán của ông, trong chính sự chung thân khổ sai và tăm tối, mỉm cười trong xiềng xích, ông vẫn giương cao những tiêu chuẩn thách thức về sự thuần khiết và nghiêm mật vốn đã trở thành một sự lỗi thời gây bối rối, và một cảm hứng bất triệt.

Madison Morrison làm tất cả chúng ta xấu hổ.

 

Nguyễn Tiến Văn dịch từ bản tiếng Anh